Trong Kinh Tạng Pāli, khái niệm Thất Thánh Tài xuất hiện trong Anguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh), mục VII.6:
“Có bảy pháp, này các Tỷ-kheo, là tài sản của bậc Thánh (ariyassa dhana): Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí, Tuệ.”
Trong Kinh điển Bắc Tông, các phẩm chất này cũng được nhắc đến với tên gọi tương đương, đôi khi được giải thích qua hình tượng thất bảo (bảy báu vật của thế gian) như một phép ẩn dụ.
Thất Thánh Tài là gì?
Thất Thánh Tài (七聖財) – còn gọi là bảy tài sản của bậc Thánh – là một khái niệm trong kinh điển Phật giáo nhằm chỉ bảy phẩm chất tâm linh quý giá, vượt lên trên mọi tài sản vật chất thế gian. Đây là những điều kiện thiết yếu để một hành giả trên đường tu đạo chứng đắc Thánh quả, giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Phật dạy rằng, người thế gian ham thích tài sản như vàng, bạc, châu báu; nhưng những thứ đó dễ mất, dễ bị trộm cướp, hoặc tiêu tan theo thời gian. Còn bảy loại tài sản này – một khi đạt được – không ai có thể lấy mất, và đem lại sự giàu có chân thật của tâm linh.
Trong kinh Tăng chi bộ III (chương Bảy pháp, phẩm Tài sản), Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ-kheo, có bảy tài sản này, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài.
1. Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài.
2. Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, say sưa, gọi là giới tài.
3. Đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài;
4. Có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài.
5. Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài;
6. tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả ly, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài;
7. có trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chân chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài.Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”.
Đối với thế gian, tài sản là một trong năm món dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) mà con người luôn hướng đến, luôn tìm cầu để sở hữu và thụ hưởng. Con người quay cuồng trong đời sống vật chất với bao khát vọng, tham muốn khôn cùng.
Nhờ có tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ mà chúng ta không tạo tác các nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau, biết chọn lựa pháp lành để tạo, chọn lựa những nhân duyên tốt đưa đến an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, đời này và đời sau.
Bảy tài sản này tuy được xem là tài sản tinh thần, nhưng cũng chính từ đó sản sinh ra tài sản vật chất, vì thế người có bảy loại tài sản này được xem là người giàu có, đầy đủ nhất về phương diện vật chất lẫn tinh thần, như lời Đức Phật đã nói ở trên: “Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ
7 tài sản Thánh nhân theo hai truyền thống
Nam Tông (Theravāda)
STT | Pāli | Hán | Việt | Giải nghĩa |
---|---|---|---|---|
1 | Saddhā | 信 | Tín | Niềm tin nơi Tam Bảo – nền tảng để khởi tu và duy trì đạo tâm. |
2 | Sīla | 戒 | Giới | Sống đúng giới luật, giúp hành giả thanh tịnh thân – khẩu – ý. |
3 | Hiri | 慚 | Tàm | Biết xấu hổ khi làm điều sai trái, tự hổ thẹn với chính mình. |
4 | Ottappa | 愧 | Quý | Biết sợ tội lỗi, sợ hậu quả nghiệp báo. |
5 | Suta | 聞 | Văn | Học hỏi, nghe pháp, ghi nhớ lời Phật dạy. |
6 | Cāga | 施 | Thí | Bố thí vật chất, thời gian và năng lượng vì người khác. |
7 | Paññā | 慧 | Tuệ | Trí tuệ thấy rõ Tứ diệu đế, vô thường, vô ngã, khổ, không. |
Bắc Tông (Mahāyāna)
Trong Bắc Tông, Thất Thánh Tài không luôn được liệt kê rõ ràng bằng tên gọi, mà thường ẩn dụ thông qua hình tượng Thất Bảo. Tuy nhiên, nhiều vị Tổ sư đã tương ứng các bảo vật với bảy đức tính tu hành như sau:
STT | Bảo vật tượng trưng | Tên Hán – Việt | Giải nghĩa |
1 | Vàng (金) | 信 – Tín | Vàng tượng trưng cho sự không biến hoại – như niềm tin trong sáng. |
2 | Bạc (銀) | 戒 – Giới | Bạc thường xuyên lau chùi mới giữ được vẻ sáng bóng như một lời giáo huấn phải luôn giữ giới. |
3 | Lưu ly (琉璃) | 聞 – Văn | Lưu ly trong suốt – như người học pháp, tâm trí không vẩn đục. |
4 | Pha lê (水晶) | 慚 – Tàm | Sự trong sạch, thuần khiết từ nội tâm biết hổ thẹn. |
5 | Xà cừ (車渠) | 進 – Tấn | Hào quang sắc cầu vồng – biểu tượng cho sự tinh tấn tiến tu. |
6 | Xích châu (赤珠) | 慧 – Huệ | Viên ngọc đỏ rực rỡ – ví với trí tuệ sáng suốt, quý hiếm. |
7 | Mã não (瑪瑙) | 捨 – Xả (Thí) | Tảng ngọc kiên cố – tượng trưng cho tâm rộng lượng, xả ly. |
Thất Thánh tài – sự khác biệt giữa Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông