Bộ đồ thờ đầy đủ
Tín ngưỡng dân gian Việt Nam hay còn gọi là tín ngưỡng truyền thống, là tín ngưỡng bản địa của các dân tộc và người địa phương sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Tín ngưỡng là niềm tin về tâm linh, thể hiện thông qua những nghi lễ gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Niềm tin này là sự ngưỡng vọng của con người vào những cái siêu nhiên, cái thiêng vô hình.
Tín ngưỡng khác tôn giáo ở chỗ: không có một hệ thống điều hành, tổ chức và giáo luật như tôn giáo. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo.
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo được cụ thể hóa trong Luật Tín
ngưỡng, tôn giáo (được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 8/11/2016) và trong rất nhiều văn bản pháp luật khác. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.